PHẦN III: Phong Tục Đón Tết Miền Nam
Những đặc trưng nổi bật trong văn hóa, phong tục Tết ở miền Nam
Khi nhắc đến ngày Tết miền Bắc, mọi người thường nghĩ ngay đến bánh chưng xanh và câu đối đỏ thì miền Nam cũng có những đặc trưng rất riêng. Đặc sắc nhất phải kể đến những yếu tố sau:
Hoa mai: biểu tượng không thể thiếu
Trong văn hóa dân gian Việt Nam, hoa mai được xếp vào 4 loại cây hàng tứ quý cùng với tùng, cúc, trúc. Mỗi loại cây sẽ mang những đặc điểm đặc biệt, tượng trưng cho phẩm chất tốt đẹp nhất của con người. Trong đó, hoa mai vàng là biểu trưng cho sự phú quý, cao thượng.
Không biết từ bao giờ, ngày Tết miền Nam đã gắn liền với loài hoa mai vàng rực rỡ. Người miền Nam tin rằng, chưng hoa mai vào ngày Tết sẽ mang đến may mắn, thịnh vượng và hạnh phúc. Hoa mai vàng nở rực ngày đầu xuân là dấu hiệu cho một năm mới an vui trọn vẹn, vạn sự khởi phát. Do đó, ngay từ đầu tháng 12 âm lịch, những nhà có hoa mai đã bắt đầu tỉa lá để hoa nở đúng dịp đầu xuân với hy vọng mai vàng sẽ nở hoa vào ngày Tết. Những nhà không trồng mai cũng cố gắng chuẩn bị một chậu nhỏ trong nhà, vừa trang trí cho ngôi nhà thêm ấm cúng, vừa cầu mong một năm mới an lành, hạnh phúc.
Mâm cỗ ngày Tết
Khí hậu và văn hóa ẩm thực mỗi vùng miền mỗi khác nên mâm cỗ ngày Tết miền Nam cũng có những đặc trưng riêng. Trong đó, không thể thiếu trên mâm cúng ông bà tổ tiên mỗi dịp Tết là bánh tét. Bánh được làm từ nếp với nhân đậu xanh và thịt, gói lá chuối bên ngoài theo hình ống tròn. Theo quan niệm dân gian, bánh tét biểu trưng cho sự trường tồn và sức sống mãnh liệt.
Bên cạnh đó, dưa món hay củ kiệu cũng là một món ăn không thể thiếu, thường được dọn kèm với bánh tét khi đãi khách. Món ăn này được làm từ rất nhiều nguyên liệu khác nhau như cà rốt, đu đủ… sau khi được chế biến sẽ có vị chua ngọt, giòn sần sật, là một món ăn kèm phù hợp với rất nhiều món ăn khác nhau trong ngày tết. Bên cạnh đó, tất nhiên không thể bỏ qua những món ăn dân dã nhưng vô cùng đậm đà hương vị ngày tết miền Nam như canh khổ qua, thịt kho tàu hay giò thủ…
Mâm cỗ ngày xuân không chỉ đơn thuần là những món ăn ngon miệng mà còn là dịp để con cháu cùng ngồi lại, tâm tình những câu chuyện đã qua và trao nhau lời chúc tốt đẹp cho một năm mới đến. Còn gì hạnh phúc hơn khi được cùng người thân, bạn bè nhâm nhi chén rượu ngày xuân, gạt mọi âu lo mà cùng nhau tận hưởng sắc xuân tràn đầy, lòng người phấn khởi. Do đó, ngày Tết miền Nam không thể thiếu mâm cỗ với những món ngon gửi trọn tấm lòng của gia chủ với khách ghé thăm nhà.
Mâm ngũ quả
Ngày Tết cổ truyền ở cả 3 miền đều không thể thiếu mâm ngũ quả. Nếu như người miền Bắc lựa chọn 5 màu tượng trưng cho ngũ hành thì theo phong tục ở miền Nam, mâm ngũ quả bắt buộc phải có 4 loại quả mãng cầu, đu đủ, dừa và xoài. Bởi cách đọc của các loại quả này có thể được hiểu là “Cầu vừa đủ xài”, như một lời cầu mong năm mới no đủ, sung túc. Ngoài ra, mọi người cũng thêm những loại quả khác như sung, dưa hấu,…để mâm ngũ quả hoàn thiện với ý nghĩa trọn vẹn nhất.
Đặc biệt, người miền Nam không bao giờ bày chuối, cam hoặc táo, lê trên mâm ngũ quả ngày Tết. Bởi theo cách gọi tên, những loại quả này gợi đến những điều không may như quýt làm cam chịu, lê lết, chúi nhủi…
Điểm đặc biệt trong phong tục ngày Tết ở miền Nam
Dù trong hoàn cảnh nào đi nữa, Tết miền Nam cũng không thể thiếu chợ hoa xuân vào những ngày cuối năm. Đây là truyền thống đã có từ rất lâu đời, trở thành một phần không thể thiếu của người dân nơi đây. Người miền Nam rất yêu hoa. Họ xem đây là biểu tượng của niềm vui, sự may mắn và tài lộc. Vậy nên, nếu có dịp đến miền Nam vào những ngày cuối năm, bạn sẽ thấy hoa tràn ngập mọi nẻo đường, mang đến không khí vô cùng tươi vui, tràn đầy nhựa sống. Dòng người đông đúc hòa vào những chợ hoa, phần lựa chọn những chậu hoa đẹp chưng tết, phần chụp hình, thưởng ngoạn để cảm nhận hương xuân đang đến rất gần.
Ngoài ra, những ngày cận Tết, các gia đình miền Nam cũng có thói quen tự làm mứt đãi khách. Các loại mứt từ trái cây như mứt dừa, mứt sầu riêng, mứt mãng cầu… đầy màu sắc là lời chào đón nồng hậu dành cho khách đến thăm. Cũng giống như hạnh phúc của nhiều người miền Bắc là được quây quần bên nồi bánh chưng thì người miền Nam cũng quan niệm hương vị ngày Tết chỉ nồng đượm khi được bên nhau cùng làm những mẻ mứt đón Tết.
Những điều cấm kỵ cần lưu ý khi đón Tết ở miền Nam
Mặc dù tư duy của người miền Nam rất thoáng nhưng vẫn có những điều kiêng kỵ cần chú ý, đặc biệt là với người ở vùng miền khác đến đây để đón Tết.
Điều cần chú ý đầu tiên là bạn cần về nhà trước thời khắc giao thừa. Người miền Nam quan niệm rằng, nếu ai không về nhà kịp lúc giao thừa thì cả năm sau sẽ phải ngược xuôi vất vả, thậm chí còn mang xui rủi về nhà.
Bên cạnh đó, đa phần mọi người đều quan niệm rằng “đầu xuôi đuôi lọt”. Nếu mọi chuyện diễn ra suôn sẻ, thuận lợi vào những ngày đầu năm thì trong năm đó, cuộc sống, công việc cũng sẽ được như ý. Vì thế mà trong 3 ngày đầu xuân, họ thường kiêng làm một số việc chẳng hạn như: không quét nhà, không làm đổ vỡ bát đĩa, đồ đạc… để tránh gặp những điều không may.
Thân chúc các gia đình, bạn bè trong cộng đồng người Việt năm mới hưng thịnh!
Hội Người Việt Stockholm và các vùng Phụ cận