Con trâu là con vật linh thiêng – Trong văn hóa phương Đông, trâu là một trong 12 con giáp (Sửu) ở vị trí thứ 2, đồng thời là gia súc đứng đầu lục súc (trâu, chó, ngựa, dê, gà, lợn), trâu có vai trò cực kỳ quan trọng trong nông nghiệp lúa nước. Người Việt xem con trâu là đầu cơ nghiệp. Trong 12 con giáp, con trâu là con vật biểu trưng cho sức khỏe, sự cần cù, chuyên làm việc nặng nhọc như cày bừa, đồng áng, chuyên chở hàng hóa, là nguồn thực phẩm cung cấp thịt, sữa, nguồn dinh dưỡng cho con người. Con trâu trở thành một biểu tượng gắn bó, trong tín ngưỡng nông nghiệp, chiếc sừng Trâu gợi lên hình ảnh trăng lưỡi liềm. Lúc đón giao thừa, người ta ra xem Trâu nằm hay Trâu đứng, Trâu ngoảnh đầu ra cửa hay vào trong để biết năm đó làm ăn có thuận lợi hay không.
Từ khi được thuần hóa, trâu là một trong những con vật rất gần gũi với con người, là người bạn thân thiết của nhà nông. Trâu là tiêu biểu cho vốn liếng “đầu cơ nghiệp” của gia đình, là minh chứng cho sự sung túc “Ruộng sâu, trâu nái”, “chín đụn mười trâu”, là niềm tự hào về sản nghiệp của người nông dân ở thôn quê… Trâu gắn bó thiết thân với người nông dân. Trong hành trình cuộc đời con người đều có bóng dáng của trâu. Lúc nhỏ thì trẻ mục đồng cưỡi trên lưng trâu, chăn trâu, cắt cỏ…Khi đến tuổi trưởng thành, họ điều khiển trâu cày bừa, kéo xe “con trâu đi trước, cái cày theo sau”. Khi về già, các cụ giúp cháu con dắt trâu, chăn nghé, lượm cỏ, chăm sóc trâu. Khi qua đời, trên nấm mồ người nông dân cỏ mọc xanh cũng là nguồn thức ăn nuôi trâu bò. Trâu gần gũi với con người đến mức “Lạc nhà nắm đuôi chó, lạc ngõ nắm đuôi trâu”.
Không phải bỗng nhiên xuất hiện, lưu truyền từ bao đời nhiều bài ca dao nói về mối quan hệ thiết thân ấy:
“Trâu ơi ta bảo Trâu này.
Trâu ra ngoài ruộng cấy cày với ta.
Cấy cày vốn nghiệp nông gia.
Ta đây Trâu đấy ai mà quản công.
Bao giờ cây lúa còn bông.
Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng Trâu ăn”
Trong quá trình lao động, trâu cùng con người tham gia lao động sản xuất, trâu được bình đẳng với con người trong phân công lao động:
“Trên đồng cạn, dưới đồng sâu
Chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa”
Trâu có mặt trong văn học nghệ thuật – Như một lẽ tự nhiên con trâu đã đi vào nghệ thuật, trở thành đề tài, nguồn cảm hứng phong phú của văn học, hội họa, điêu khắc, âm nhạc…Vì thế, nhiều sáng tác dân gian gắn với hình tượng con trâu. Tranh tết, tranh dân gian Đông Hồ, tranh Kim Hoàng có hình trâu cùng em nhỏ để tóc trái đào ngồi trên lưng trâu, thổi cây sáo trúc, dưới tán lá sen…
Trâu Vàng là tượng trưng cho ước vọng về mùa màng tốt đẹp, ấm no, hạnh phúc, sức mạnh và tinh thần thượng võ của người Việt. Người nông dân Việt Nam tìm thấy ở con trâu sức mạnh quật cường của một dân tộc yêu hòa bình, thượng võ, bất khuất, kiên cường.
Đối với sản nghiệp của nhà nông, trâu có một vị trí, vai trò quan trọng. Những câu tục ngữ, thành ngữ đã nói lên điều đó. Trước hết “Con trâu là đầu cơ nghiệp”. Trong ba việc cần thiết trong đời người là “Tậu Trâu cưới vợ, làm nhà”, “ruộng sâu, Trâu nái”,…
Chúc đại gia đình người Việt chúng ta đón năm Tân Sửu vui tươi an bình!