THÁNG CHẠP về!
Đó là tháng 12 âm lịch của các năm thường hoặc tháng thứ 13 vào các năm nhuận, theo cách gọi của ông bà xứ mình. Một tháng gợi lên biết bao nỗi niềm, bao lo toan và những cố gắng của cả một năm dài…
Xưa kia, tháng Chạp còn được gọi là “tháng củ mật” vì tháng này thường có nhiều trộm đạo. “Củ” là kiểm soát; còn “mật” là cẩn mật, nên “Tháng củ mật” nghĩa là kiểm soát cẩn mật. Do đó, các quan phủ thường rao giảng dân chúng phải cẩn mật nhà cửa, các tuần đinh tăng cường kiểm soát đề phòng đạo chích lộng hành.
Những ngày đầu tháng Chạp thường mang theo cái lạnh giá của khí trời cùng những hạt mưa lất phất bay. Không rõ, ấy là cái lạnh còn lại của mùa đông hay là tiết trời đang chớm nở đón xuân về??? Cái lạnh giá – khiến cho mỗi người ít nhiều đều cảm thấy xốn xang, rùng mình! Một sự rùng mình thú vị cứ khấp khởi tận cùng nơi tâm thức. Để rồi… có những năm: cơn rét đậm kéo dài tới cả một tháng. Những cái lạnh làm rạn khô cánh môi hồng của người con gái, khiến người già mặc năm bảy lớp áo, còn lũ con trẻ lại nước mũi sụt sùi.v.v… Bởi lạnh đấy, mưa đấy – nên người Cha, người Mẹ nhắc các con phải giữ ấm, những đôi lứa dành tặng nhau chiếc khăn choàng cổ… Thân thương ấy như cũng khiến cái lạnh phải dịu bớt đôi ba phần…
Tháng Chạp về cũng là lúc “năm hết, Tết đến” – một giai đoạn nước rút và tất bật nhất trong năm. Chẳng thế mà, ai ai cũng hối hả hoàn thành mọi công việc để năm mới tới khỏi phải lo toan và vướng bận. Dẫu chưa biết, sang năm mới ra sao (?) nhưng khi vào tháng Chạp: người ta thường làm việc hết mình và hy vọng vào những điều tốt lành phía trước…
Tháng Chạp, cũng là thời điểm nhiều miền quê bắt đầu vào vụ trồng hoa màu, cấy lúa. Có lẽ, chỉ có người nhà nông mới thấu hiểu được hết cái khắc nghiệt của những ngày đại hàn rét buốt. Khi tháng Chạp in hằn những đường cày vẹo xiêu, mệt nhọc của những người cha đi sau các “bạn” trâu, bò. Là hình ảnh những người mẹ vẫn tay năm tay mười bận rộn cấy lúa, dù tiết trời lạnh cắt thịt da. Rét mướt thế, nhưng vụ mùa chưa xong, chưa hoàn thành trong tháng Chạp thì ăn tết sẽ không ngon, mà thấp thỏm, âu lo. Những tấm áo gụ nâu sòng cả một đời tảo tần, lam lũ, bám đất bám đồng mà cái nghèo, cái khó vẫn cứ đẳng đeo…
Vào tháng Chạp, phố thị cũng trở nên náo nhiệt và chật chội đến lạ thường! Dường như – người người đều đang chạy đua với thời gian và tất bật chuẩn bị cho một năm mới sắp đến? Bất chợt… giật mình rồi tự hỏi: ‘Sắp hết một năm rồi ư?” – mà thảng thốt chen lẫn bàng hoàng!!! Có lẽ, chỉ có tháng Chạp mới có sự thúc giục của thời gian đến thế? Một sự thúc giục ẩn chứa cả những cái thở dài đầy tiếc nuối và thầm lặng. Tháng Chạp, như thế là cả một khoảng lặng để ta nhìn lại một năm sắp qua và hồi tưởng lại những thăng trầm, buồn vui của cuộc sống hiện tại.
Tháng Chạp về, chừng đến ngày Hai Mươi thì tự nhiên có Tết! – Không ai bảo ai cũng đều tự nói: “hăm mươi, “hăm ba”, “hăm sáu tết rồi”… khiến ngày dương lịch ngẫu nhiên bị lãng quên (trong mười ngày cuối tháng Chạp). Để rồi, ngày đi học mà tâm trí cứ hướng về mùi thơm nơi nồi bánh chưng của mẹ, với gói giò lụa cha làm đang treo nơi gác bếp, về cành Đào năm nay đặt ở góc nào trong phòng khách, hay tiền mừng tuổi tết này được bao nhiêu?
Tháng Chạp về, chợt miên man nhớ lại những ngày đi chợ Tết thuở nhỏ. Có lẽ, đứa trẻ nào cũng háo hức chờ tết đến được theo mẹ và bà dẫn ra chợ sắm cho quần áo mới hay mua cho những thức quà: bóng bay, tò he, cái kèn, cái trống… Thế thôi nhưng vui lắm, thích lắm!.. Chợ tết ở quê không chỉ là nơi để người ta mua sắm, mà còn là nơi trao gửi những thân tình. Ví như đứa con xa quê, khi về ăn Tết, mẹ bảo đi chợ cùng cốt là để hỏi han những người quen đã lâu chưa gặp, và cũng là để chúc nhau những câu tốt đẹp cho một năm mới sắp sang. Bao đời rồi, người nhà quê vẫn chứa chan, vẫn nghĩa tình, và đôn hậu đến như thế!
Hình như… không có cái gì rộn rã bằng lúc tháng Chạp về? Khi những đứa con xa quê trở về nườm nượp, những chuyến xe đông đúc, chen lấn nhưng chẳng một ai phiền lòng, to tiếng với nhau… Ngày cận Tết, nhà này ngóng con, nhà kia hỏi thăm các cháu, anh chị em, họ hàng có về quê ăn tết này? Cứ như thế, kẻ xa phương mong tìm lại hương vị tết quê, tìm về những kỷ niệm ngày trước, trở lại những giá trị bản sắc, cội nguồn của quê hương xứ sở.
Tháng chạp về! Năm nào cũng vậy, cây Đào phai xứ Bắc đang chờ ngày đơm nụ, bụi Cúc vàng cũng đua sắc nơi dẻo đất miền Trung, còn gốc Mai già phương Nam lại vươn mình trổ những búp lộc non xanh nhựa sống… Cứ thế, cả dải đất hình chữ S lại nô nức, khấp khởi trong không khí của một mùa xuân mới đương về.
Theo tháng Chạp, theo những âm sắc cuối năm ta về, để dọn lòng mình khép lại một năm sắp qua và tiếp tục, tiếp tục hy vọng vào những điều tốt lành phía trước…
Này, tháng Chạp? Tháng Chạp ơi?
Tháng Chạp về!
Vị Tết về!
TẾT của người VIỆT.
TẾT của nước NAM.
Mùng 1 tháng Chạp năm Canh Tý
13-1-2021,
Källa (Nguồn): Thanh Phùng